Trong thời kì mang thai và cho con bú, chuyển hóa của cơ thể tăng, trọng lượng cơ thể tăng dẫn đến nhu cầu năng lượng của bà mẹ khi có thai và cho con bú tăng lên so với thời kì chưa mang thai. Nếu năng lượng cung cấp không đủ trong một thời gian dài, bà mẹ dễ bị thiếu năng lượng trường diễn, trẻ dễ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai. Ngược lại, cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn đến tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ, bà mẹ tăngcân quá mức dẫn đến nguy cơ đái tháo đường thai kì và trẻ sinh ra nặng cân hơn bình thường(trên 3700 gam).
Đối với phụ nữ có thai 3 tháng giữa thai kỳ, khẩu phần ăn nên nhiều hơn sao cho năng lượng cung cấp tăng 250kcal/ ngày. Để cung cấp đủ năng lượng tăng thêm theo nhu cầu này, khẩu phần ăn của bà mẹ cần được bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng. Cần tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng và đa dạng hóa bữa ăn để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cũng như các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ví dụ, nếu có điều kiện, các bà mẹ có thể uống thêm 200 ml sữa/ngày hoặc 200g sữa chua, cùng với ăn thêm một quả trứng hoặc 31g thịt lợn hoặc 35g cá hoặc 30g tôm, ăn thêm một miệng bát cơm kết hợp với thêm khoảng 200g rau xanh, quả chín các loại. Đối với phụ nữ có thai 3 tháng cuối nên tăng 450 kcal/ngày. Năng lượng này tương đương nên ăn thêm khoảng một miệng bát cơm, uống thêm 300ml sữa/ngày hoặc 300 g sữa chua,cùng với ăn thêm khoảng 100g thịt/ cá/ đậu phụ, thêm 1 thìa dầu/mỡ kết hợp thêm khoảng 200g rau xanh và hoa quả chín mỗi ngày.
Đối với các bà mẹ ở vùng nông thôn, kinh tế khó khăn vẫn có thể đảm bảo đủ năng lượng và dinh dưỡng bằng cách ăn thêm miệng bát cơm, hoặc củ khoai/ sắn, thêm một quả trứng, 100g đậu phụ, 2-3 thìa lạc, vừng, hoặc ăn thêm các loại tôm, tép, thịt kết hợp với rau xanh và quả chín mỗi ngày. Thực đơn bổ sung hàng ngày như vậy ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng sẽ giúp cung cấp đủ nhu cầu về protein, vitamin và khoáng chất cho PNCT.
Bài viết liên quan: