Để trẻ có thể tăng trưởng và phát triển chiều cao tối ưu, cùng với chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, việc bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin D3 và K2 có vai trò cốt yếu tăng cường sự hình thành và phát triển xương.
Vitamin D đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong sự phát triển của xương. Thiếu vitamin D có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của các loại khoáng chất cần thiết đối với xương như canxi và phosphor, từ đó làm tăng nguy cơ các vấn đề liên quan đến xương như còi xương ở trẻ em, đau xương và nhuyễn xương ở người trưởng thành.
Nhu cầu vitamin D hàng ngày cho trẻ đang được các quốc gia khuyến nghị như sau:
+) Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam 2016, và tương tự tại Mỹ, Malaysia và Ấn Độ: trẻ dưới 1 tuổi cần bổ sung 400 IU vitamin D/ngày, trẻ 1 đến 18 tuổi cần bổ sung 600 IU vitamin D/ngày [1-3].
+) Theo khuyến cáo của cơ quan y tế tại Anh cho trẻ từ sơ sinh đến 1 tháng tuổi nên bổ sung 300-400 IU vitamin D/ngày, trẻ từ 1 tháng đến 12 tuổi nên bổ sung từ 400-800 IU vitamin D/ngày. Anh quốc khuyến nghị liều bổ sung vitamin D tuỳ thuộc tình trạng nuôi bằng sữa mẹ hay sữa công thức [4].
+) Tại Singapore: nhu cầu vitamin D khuyến nghị cho trẻ dưới 5 tuổi và trẻ nam 5-7 tuổi là 400 IU/ngày, trẻ nữ 5-7 tuổi là 420 IU/ngày, trẻ 7-18 tuổi là 100 IU/ngày [5].
Vitamin K được phát hiện từ năm 1929 và đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp sphingolipids – một loại lipid (chất béo) rất quan trọng trong màng các tế bào não. Vitamin K thuộc nhóm quinones, là một nhóm vitamin tan trong dầu, gồm nhiều loại vitamin có cấu trúc giống nhau: điển hình là phylloquinone (vitamin K1), menaquinones (vitamin K2) và menadion (vitamin K3) [6].
Vai trò của các loại vitamin K: Vitamin K1 chủ yếu có trong các loại rau lá xanh và chiếm khoảng 75-90% tổng lượng vitamin K trong khẩu phần hàng ngày. Vitamin K2 tập trung ở các thực phẩm lên men và thịt động vật, ngoài ra K2 có thể được sản xuất bởi hệ vi sinh đường ruột. Vitamin K1 đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể. Trong những năm gần đây, vitamin K2 đang được chứng minh vai trò trong duy trì mật độ khoáng chất của xương cũng như hỗ trợ phát triển chiều cao tối ưu ở trẻ em [7]
Có 2 cơ chế đã được chứng minh trong vai trò của Vitamin K2 cho hiệu quả chắc khỏe xương [7]:
+) K2 kích hoạt osteocalcin (một protein được sản xuất từ quá trình tạo cốt bào), giúp gắn canxi vào xương, từ đó làm tăng mật độ khoáng chất trong xương. Để osteocalcin phát huy được hiệu quả tối đa, cần có vitamin K2.
+) K2 giữ cho canxi không lắng đọng tại các mạch máu và hướng đích cho canxi vào xương thông qua một loại protein điều chỉnh quá trình canxi hóa là Matrix Gla Protein (MGP). MGP là một loại protein phụ thuộc vitamin K, được các tế bào cơ trơn sản xuất và có chức năng điều chỉnh lượng canxi trong cơ thể.
Hậu quả khi thiếu vitamin K2: Nếu không có vitamin K2, cơ thể không thể định hướng được canxi vào xương, thay vào đó, canxi có thể sẽ lắng đọng tại các mô mềm, như tại các động mạch, dẫn đến một tình trạng phối hợp giữa loãng xương và xơ vữa mạch máu, hay còn gọi là nghịch lý canxi (calcium paradox).
Vitamin K2 tồn tại trong thực phẩm dưới 2 dạng chính là MK4 và MK7: đều rất tốt cho sức khỏe.
Liều khuyến nghị vitamin K2 để đảm bảo và cải thiện sức khỏe của xương đã được nghiên cứu và công bố trong nhiều nghiên cứu quan trọng như sau:
+) Nghiên cứu năm 2013 tại Hà Lan sử dụng liều 180mcg vitamin K2 dưới dạng MK7/ngày [8].
+) Trong sách “Vitamin K2: Chất dinh dưỡng thường bị thiếu hụt cần cho sức khoẻ xương và tim mạch -The Missing Nutrient for Heart and Bone Health” của tiến sĩ Dennis Goodman – một chuyên gia về tim mạch, đã đề xuất bổ sung 150-180mcg vitamin K2 dưới dạng MK7/ngày [9].
+) Nghiên cứu của Van Summeren về việc sử dụng MK7 để hỗ trợ tăng trưởng chiều cao cho trẻ em tuổi tiền dậy đã khuyến nghị sử dụng liều 45mcg MK7/ngày trong 8 tuần [10].
+) Liều khuyến nghị vitamin K2 dưới dạng MK4 là 45mg/ngày. Do K2 dạng MK4 có thời gian bán thải ngắn hơn dạng MK7 nên có thể bổ sung MK4 3 lần/ngày. Liều khuyến nghị MK4 có sự thay đổi tùy từng khu vực địa dư[7].
+) Ở một số khu vực tại châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản, liều khuyến nghị MK4 là 45mg [7].
Như vậy cho đến thời điểm này chưa có khuyến nghị chính thức về liều dùng của Vitamin K2, tuy nhiên có thể thấy phần lớn các nghiên cứu đều đưa ra mức khuyến nghị với liều dùng 45mg/ ngày cho trẻ em.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin K2:
MK4 là loại vitamin K2 được tìm thấy chủ yếu trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, ví dụ như bơ và lòng đỏ trứng. Trong khi đó, MK7 lại là loại vitamin K2 được sản xuất ra bởi sự lên men của vi khuẩn, có chủ yếu trong thực phẩm sữa lên men như sữa, phomai, đậu nành lên men, do vậy còn ít được sử dụng vì không phải là món ăn truyền thống, không hợp khẩu vị và chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam.
Có cần thiết phối hợp vitamin D và vitamin K2?
Bổ sung phối hợp vitamin D và vitamin K2 đem lại lợi ích trong phát triển chiều cao ở trẻ em, phòng chống còi xương, tăng mật độ khoáng chất trong xương đặc biệt ở cả phụ nữ sau mãn kinh, phụ nữ cao tuổi bị Alzheimer. Không những thế, các nghiên cứu về di truyền, phân tử, tế bào và trên người đều cho thấy bổ sung đủ vitamin D và vitamin K không chi có lợi cho sức khỏe xương mà còn cho sức khỏe tim mạch nữa.
Phối hợp vitamin D và vitamin K2 đem lại lợi ích trong phát triển chiều cao ở trẻ em, phòng chống còi xương
Ngoài ra, vitamin K2 còn có tác dụng trung hòa lượng vitamin D, phòng chống ngộ độc vitamin D. Trong trường hợp cơ thể bị thiếu vitamin K2, nhưng lại bổ sung quá nhiều vitamin D, cơ thể sẽ không xử lý kịp lượng vitamin D mới được bổ sung vào, dễ dẫn đến các triệu chứng ngộ độc vitamin D.
Bài viết liên quan: