Trong thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu kiểm tra, giám sát của một số Viện, địa phương phát hiện chất cấm trong sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, các sản phẩm có chất cấm đã phát hiện chủ yếu thuộc nhóm hỗ trợ giảm cân (chứa phenolphtalein, sibutramine), sinh lý (chất ức chế PDE5: Sildenafil, Tadalafil,…), xương khớp (Diclofenac, Corticoid…), v.v… Để an toàn sức khoẻ cho người sử dụng, ngăn chặn kịp thời sản phẩm vi phạm, Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành công văn số 136/ATTP-PCTTR ngày 19/01/2022 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp thực hiện nội dung tại Mục 3 Công văn số 62/ATTPPCTTR ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Cục An toàn thực phẩm về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022. Tăng cường kiểm tra trên địa bàn, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm thuộc các Danh mục quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BYT để kiểm nghiệm, ưu tiên lấy mẫu các sản phẩm có nguy cơ thuộc nhóm hỗ trợ giảm cân, sinh lý, xương khớp, tiểu đường v.v…
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về Thông tư số 10/2021/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Y tế quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; quá trình hậu kiểm nếu phát hiện vi phạm cần xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo về Cục An toàn thực phẩm để phối hợp quản lý.
Bài viết liên quan: