An toàn thực phẩm mùa nắng nóng: Nâng ý thức, giảm nguy cơ

Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Tuy vậy, nhiều người dân, hộ kinh doanh chưa quan tâm vệ sinh trong sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe.

Thực phẩm bẩn vẫn khó kiểm soát

Theo số liệu của Sở Y tế, hai năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nào. Tuy vậy, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn, nhất là ở địa bàn các khu, cụm công nghiệp, việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) còn hạn chế.

Tại khu vực chân cầu vượt Đình Trám, quốc lộ 17, thị trấn Nếnh (Việt Yên) vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 22/5, hai bên đường la liệt các sạp hàng từ rau củ, hoa quả đến thịt lợn quay, sứa đỏ (một loại hải sản tươi sống có thể ăn liền). Mỗi khi ô tô, xe máy đi qua lại cuốn một lớp bụi phủ lên những bàn bày đồ ăn không che đậy. Những hàng quán này thu hút rất đông người mua, nhất là công nhân.

Tại khu vực quanh Cụm công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng ở xã Tiền Phong (Yên Dũng), đồ ăn nhanh để trên bàn nhựa dưới nhiệt độ gần 40 độ C, nhiều ruồi muỗi đậu lên. Công nhân sau khi tan ca ghé vào các cửa hàng bún, phở, xôi ngay lề đường tranh thủ ăn vội bữa trưa. Anh Hồ Văn Tráng, quê ở huyện Văn Yên (Yên Bái) đang trọ tại xã Tiền Phong cho biết: “Tôi biết ăn ở đây không bảo đảm ATTP nhưng hằng ngày vẫn sử dụng vì tiện đường và giá cả phải chăng”.

Tại huyện Việt Yên, trưa 11/5, lực lượng công an, quản lý thị trường địa phương phát hiện tại đường nội bộ Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám (Việt Yên) một xe ô tô vận chuyển gần một tấn chân giò lợn, mỡ lợn, xương lợn, thịt gà đông lạnh bốc mùi hôi thối. Lái xe khai báo số thực phẩm này được thu gom tại nhiều nơi để bán cho một số bếp ăn trong KCN. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với tài xế và thu giữ, tiêu hủy toàn bố số hàng.

Ở huyện vùng cao Sơn Động, trong một tháng qua, tổ công tác liên ngành của UBND huyện đã kiểm tra hơn 80 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống (nhà hàng, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố), xử phạt 9 cơ sở vi phạm với số tiền 30,2 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra gần 3 nghìn cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 250 trường hợp chưa đạt yêu cầu về ATTP, trong đó ra quyết định xử phạt 28 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng và yêu cầu khắc phục vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, con người; thu giữ, tiêu hủy 4,45 tấn sản phẩm động vật, 8 tấn bánh kẹo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, thức ăn có nguồn gốc động vật, thực phẩm nhiều dầu, đạm dễ bị hỏng. Trong khi đó theo thói quen, người dân tiện đâu mua đó nên việc sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn sẵn trôi nổi tại các quán lề đường, vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến. Không ít trường hợp sau khi sử dụng bị rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, mất nước cơ thể, ngộ độc thực phẩm nhẹ.

Theo cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, người dân cần chọn mua thực phẩm tươi, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ở những cửa hàng uy tín, có chứng nhận ATTP, tránh lạm dụng đồ ăn nhanh, chế biến sẵn ở các khu vực vỉa hè, lòng đường. Thực hiện “ăn chín, uống sôi”; không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần. Đặc biệt là kiên quyết nói “không” với thực phẩm đã hết hạn sử dụng, ôi thiu hay có mùi vị, màu sắc lạ.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra trong mùa hè, vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát liên ngành, chuyên ngành về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn và theo phân cấp quản lý; phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường, hoạt động quảng cáo thực phẩm trên Internet, môi trường mạng và kinh doanh đa cấp… nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành chức năng triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các sự cố về ATTP; nhân rộng mô hình bảo đảm ATTP theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến. Chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các sự cố về an toàn thực phẩm.

Sở sẽ tăng cường kiểm soát, chỉ đạo, hướng dẫn các nhà hàng, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn an toàn. Đồng thời, các đơn vị chuyên môn của Sở tăng cường phối hợp với các ngành chức năng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật cho người dân và trách nhiệm trong phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây qua đường ăn uống”.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/405372/an-toan-thuc-pham-mua-nang-nong-nang-y-thuc-giam-nguy-co.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *